Bạn đang muốn tìm hiểu thông tin về thi công chống mối cho công trình xây dựng. Bạn muốn tham khảo các biện pháp thi công phòng chống mối cho công trình xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam. Bài viết này chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc về tiêu chuẩn TCVN 7958:2008. Mời các bạn cùng tham khảo nhé.
Tại sao phải sử dụng các biện pháp thi công chống cho mối công trình xây dựng?
Hiện nay, các công trình sử dụng chủ đâu tư đều xử lý thi công chống mối. Thường trong thiết kế thi công công trình hiện nay, đều có phần thiết kế chống mối kèm theo. Vì vậy nên sử dụng các biện pháp thi công chống mối cho công trình xây dựng để:
Bảo vệ cấu trúc công trình: Mối có khả năng tấn công và phá hủy các vật liệu xây dựng như gỗ, giấy, và một số loại vật liệu khác. Điều này có thể làm giảm độ bền và tính an toàn của công trình.
Kéo dài tuổi thọ công trình: Bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của mối, bạn có thể bảo vệ công trình khỏi bị hư hại, từ đó kéo dài tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì, sửa chữa.
Bảo vệ tài sản bên trong: Ngoài việc gây hại cho cấu trúc công trình, mối cũng có thể làm hỏng các tài sản bên trong như nội thất, tài liệu quan trọng, và các vật dụng gia đình.
Tiết kiệm chi phí: Chi phí để sửa chữa và thay thế các phần bị mối tấn công rất cao. Việc đầu tư vào các biện pháp chống mối từ ban đầu sẽ giúp tiết kiệm chi phí lâu dài.
Tuân thủ quy định: Một số khu vực và loại công trình yêu cầu bắt buộc phải có biện pháp phòng chống mối theo quy định của pháp luật hoặc tiêu chuẩn xây dựng.
|
Nội dung cơ bản các biện pháp thi công chống mối theo tiêu chuẩn TCVN 7958:2008
Nguồn tham khảo: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Huong-dan-02-HD-SXD-2012-phong-chong-moi-cong-trinh-xay-dung-Lao-Cai-260214.aspx
Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng đối với các công trình xây dựng. Đặc biệt đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn; các công trình nhà cao tầng và các công trình xây dựng ở vùng địa lý có mối hoạt động;
Dưới đây Kiểm Dịch tóm tắt hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 7958 : 2008 Bảo vệ công trình xây dựng – Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới” và công tác quản lý, giám sát, thi công, nghiệm thu phòng chống mối cho công trình xây dựng, một số nội dung cụ thể như sau:
1. Gới thiệu chung
Biện pháp thi công chống mối công trình TCVN 7958:2008
Biên soạn: Trung tâm Tư vấn nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng – Hội Vật liệu xây dựng
Thẩm định: Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Công bố: Bộ Khoa học và Công nghệ
Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu tất cả công trình bắt buộc phải thi công phòng chống mối. Các loại công trình hiện nay được chia thành 4 loại A.B,C,D theo như quy định.
2. Phạm vi áp dụng.
Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 7958 : 2008 Bảo vệ công trình xây dựng – Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới” quy định các yêu cầu, phương pháp phòng chống mối áp dụng cho các công trình xây dựng mới có sử dụng vật liệu chứa xenlulô làm kết cấu hoặc có chứa đựng, lưu trữ các vật liệu, tài liệu có thành phẩm cấu tạo chứa xenlulô. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho công trình đê đập và cây trồng.
Đối tượng cần xử lý chủ yếu là các loại mối phá hoại công trình xây dựng như: môi đất, mối nhà, mối gỗ khô, mọt cánh cứng…
3. Phân loại yêu cầu phòng chống mối bảo vệ công trình
Để có các giải pháp phòng chống mối phù hợp với yêu cầu sử dụng, chất lượng xây dựng và điều kiện kiện kinh tế cho phép, yêu cầu chống mối cho công trình được chia thành 4 loại sau đây:
Loại A:
Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức cao. Gồm các công trình đặc biệt, công trình cao tầng, công trình có niên hạn từ 100 năm trở lên; các bảo tàng, thư viện, lưu trữ, cơ quan văn phòng, công trình văn hóa lịch sử, nhà sản xuất; nhà kho có chứa hoặc sử dụng các thành phẩm quý có chứa xenlulo
Loại B:
Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức khá, gồm các công trình có niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm.
Loại C:
Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức trung bình, gồm các công trình có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến 50 năm, nhà ít tầng xây dựng ở vùng có mối hoạt động.
Loại D:
Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức thấp gồm các công trình ít quan trọng xây dựng ở vùng địa lý không có mối hoạt động như nhà sản xuất, nhà kho làm bằng những vật liệu không chứa chất xenlulo. Nhà có chứa hoặc sử dụng, gia công các loại thành phẩm không chứa chất xenlulo.
Công trình loại A, B là loại công trình phải thực hiện các biện pháp phòng chống mối ngay từ khi lập dự án thiết kế và trong thi công xây dựng (phải đề xuất phương án, biện pháp cụ thể ngay từ khi lập dự án và thiết kế xây dựng).
Công trình loại C là loại có thể xem xét áp dụng một phần các biện pháp chống mối nhưng chủ yếu phải xử lý thuốc chống mối cho các bộ phận kết cấu, bộ phận trang trí và hệ thống cửa bằng gỗ hoặc vật liệu xenlulo (có đề xuất phương án, biện pháp cụ thể ngay từ khi lập dự án và thiết kế xây dựng).
Công trình loại D là loại không áp dụng ngay các biện pháp phòng chống mối trong khi thiết kế, thi công xây dựng.
4. Khảo sát phát hiện mối
Việc khảo sát phát hiện mối cho công trình thuộc loại A, B, C phải do người có kiến thức cơ bản về đặc tính sinh học các giống, loài mối và kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống mối, biết xác định loại mối gây hại chủ yếu tại khu đất xây dựng công trình và nhận biết tình trạng mối hoạt động trong khu vực kế cận (hướng dẫn tham khảo trong Phụ lục A – TCVN 7958 : 2008).
Khi khảo sát phải xem xét kỹ các nhà hiện có trên cùng khu đất có điều kiện tương tự.
Sau khi khảo sát phải có báo cáo tóm tắt về các loại mối chủ yếu đang hoạt động trên khu đất, tên giống và loài mối cụ thể.
5. Thiết kế thi công phòng chống mối cho công trình xây dựng
– Thiết kế phòng chống mối phải do các đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực thực hiện.
– Thiết kế phòng chống mối cho các loại công trình A, B, C tùy mức khác nhau, nhưng tối thiểu phải bao gồm:
a. Báo cáo tình hình mối phá hoại.
b. Biện pháp xử lý diệt mối, dọn gốc cây, rễ cây và rác có chứa xenlulo.
c. Xử lí chống mối cho các bộ phận bằng gỗ.
d. Tùy theo điều kiện, chọn một trong hai phương pháp là: phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp hoặc phòng chống mối bằng thuốc.
e. Dự kiến kế hoạch và thời điểm thực hiện các công việc phòng và diệt mối trước khi khởi công phá dỡ và kế hoạch thực hiện thi công phòng chống mối kết hợp với thi công xây dựng, nhất là tại các thời điểm thi công móng tường, móng nền nhà tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có.
f. Sơ đồ phòng chống mối cho công trình gồm các phần việc như: Xử lý mặt nền, xử lý chân tường, hàng rào phòng chống mối bên trong và bên ngoài, các đường kĩ thuật ngầm đi vào nhà (ống cấp nước, thoát nước, các đường cáp điện đi ngầm), vị trí các hào ngăn mối, lớp cách li mặt nền và mặt móng tường; Vị trí các lỗ đường ống và đường cáp đi qua nền nhà lên các tầng và vị trí các đường ống thoát nước xuống nền nhà, vị trí các hố thu nước.v.v…
g. Dự toán kinh phí thực hiện các biện pháp phòng chống mối.
6. Các biện pháp chống mối công trình
a. Biện pháp phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp;
b. Biện pháp phòng chống mối bằng thuốc.
(Hạn chế sử dụng biện pháp phòng chống mối bằng thuốc vì hiệu quả phòng chống mối thấp, phòng chống mối không bền vững).
(Nội dung công tác thi công phòng chống mối: Xem mục II).
7. Thuốc phòng chống mối cho công trình xây dựng
– Thuốc phòng chống mối hiện nay có 2 dạng: dạng lỏng và dạng bột.
– Chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; Việc sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nội dung chi tiết quy trình các biện pháp thi công chống mối cho công trình xây dựng
1. Quy trình thi công phòng chống mối công trình bằng phương pháp kết hợp
(Biện pháp này phòng chống mối hiệu quả và bền vững hơn so với biện pháp chống mối bằng thuốc).
Là việc sử dụng một số vật liệu xây dựng theo quy định của tiêu chuẩn. Cùng với việc xử lý gia cố trong thi công xây dựng kết hợp dùng thuốc phòng chống mối để bảo vệ các kết cấu vật liệu xenlulo của công trình:
1.1. Quy định chung:
– Khi thi công móng và nền phải lấy hết các tấm ván khuôn, không để sót lại các mảnh vụn ván khuôn hoặc gỗ vụn, mùn cưa, dăm bào, giấy, vỏ bao xi măng xung quanh móng, mặt nền, các khe lún hoặc khe co giãn của chân tường. Các khe giữa các tường đôi hoặc cột đôi của hai đơn nguyên, nếu đổ bê tông tại chỗ phải dùng các vật liệu không có chứa chất xenlulo để chèn, phòng khi không lấy ra được sẽ tạo nơi trú ngụ và đường đi của mối thâm nhập lên các tầng. Nếu dùng ván gỗ để chèn thì phải xử lý ngâm tẩm thuốc phòng chống mối trước khi dùng.
– Khi dùng gỗ, tre làm kết cấu chịu lực hoặc làm các bộ phận trang trí, làm cửa và khung cửa, các bộ phận đó phải được xử lý (ngâm, tẩm, phun, quét) thuốc phòng chống mối hoặc thuốc bảo quản lâm sản. Nếu là gỗ thuộc nhóm cần xử lý bảo quản (xem Phụ lục B- TCVN 7958 : 2008) thì thành phẩm sau khi gia công phải được xử lý phòng chống mối hoặc thuốc bảo quản lâm sản trước khi dùng sơn hoặc vecsni.
– Trường hợp có cắt, gọt, gia công thêm thì các bộ phận đó phải được xử lý bổ sung. Nếu gỗ thuộc nhóm không cần xử lý bảo quản (xem Phụ lục B), nhưng có lẫn gỗ dác thì phải xử lý như gỗ thuộc nhóm cần xử lý bảo quản. Trong trường hợp gỗ thuộc nhóm không cần xử lý bảo quản nhưng dùng ở những nơi ẩm ướt cũng phải được xử lý bảo quản.
1.2. Đối với công trình loại C:
Ngoài yêu cầu theo Quy định chung (nêu tại mục 1.1.), trên toàn bộ mặt tường móng và toàn bộ mặt nền nhà (tức là gạch vỡ đầm chặt, dưới lớp vữa lát nền nhà tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có) phải trải kín đều một lớp vữa có cường độ không nhỏ hơn mac100 với chiều dày không nhỏ hơn 30 mm; Đồng thời phải trát một khoảng cao từ mặt nền nhà tới bậu cửa bằng lớp xi măng cát vàng phía bên trong và bên ngoài tường để chống mối làm đường mui đi bên trong tường.
1.3. Đối với các công trình loại B:
Phải đáp ứng các yêu cầu nêu ở mục mục 1.1., 1.2 và các yêu cầu bổ sung như sau:
– Toàn bộ mặt tường móng và toàn bộ mặt nền nhà phải tăng cường thêm một lớp bê tông đá dăm có cường độ không nhỏ hơn mac 200, với chiều dày không nhỏ hơn 70mm trải kín đều trên lớp xi măng cát vàng đã nêu trên.
– Những nơi có đường cáp hoặc đường kỹ thuật ngầm đi lên mặt nền phải đặt trong đoạn ống cứng, bên trong đoạn ống cứng đó phải kín bằng vữa bi tum nóng. Khi thi công nền tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có, phải đảm bảo chèn vữa bê tông kín khắp xung quanh các loại đường ống đi qua nền.
– Tại các chân khung cửa của tầng trệt, khi chôn xuống đất nền phải đảm bảo có lớp bê tông bao kín xung quanh và bên dưới chân khung cho tới cos 0,0m của mặt nền, với chiều dày của lớp đó không nhỏ hơn 50 mm. Trường hợp có điều kiện nên sử dụng bằng cốc thép không rỉ có chiều dày tối thiểu 1mm, chiều cao bẳng khoảng chân khung chôn xuống mặt nền nhà và được chèn kín bằng vữa xây sau khi định vị khung cửa.
1.3. Đối với các công trình loại A:
Phải đáp ứng các yêu cầu nêu ở mục mục 1.1., 1.2, 1.3 và các yêu cầu bổ sung như sau:
Nhà sàn:
Đối với loại nhà sàn có tầng chân cột để trống hoàn toàn, tầng chân cột phải thông thoáng kể từ mặt nền xi măng cát vàng đến mặt dưới của kết cấu sàn không nhỏ hơn 0,8m để có thể tới kiểm tra mọi điểm dưới nền nhà. Trong trường hợp có điều kiện nên làm chiều cao tầng chân cột từ 1,7 m đến 3 m để có thể tới kiểm tra dễ dàng hơn.
Nhà có hầm hoặc trệt:
Trong các trường hợp không thể làm sàn trống chân cột, mà phải sử dụng tầng trệt, cũng như trường hợp phải thiết kế sử dụng tầng hầm, thì phải tăng cường lớp bê tông cốt đá ganit với chiều dày đồng đều 70 mm cho toàn bộ sàn tầng trệt, hoặc cho toàn bộ sàn tầng hầm và tường hầm (phần chìm dưới mặt đất có kết cấu bên ngoài tiếp xúc với đất nền, khi có sử dụng một hoặc nhiều tầng hầm) .
– Lớp trát mặt trong tầng hầm, cũng như lớp trát mặt trong và mặt ngoài tầng trệt phải dùng vữa xi măng cát vàng có cường độ không nhỏ hơn max 50.
Công trình đặc biệt
Với các công trình đặc biệt quan trọng khi có sử dụng tầng hầm, nên bố trí thêm lớp thép không rỉ, hoặc lớp đồng giữa lớp lót bê tông cát vàng với lớp bê tông đá granit. Chiều dày của lớp thép hoặc đồng không nhỏ hơn 0,5 mm. Các chỗ nối của các tấm phải được hàn kín đảm bảo vừa ngăn chặn mối vừa chống thấm cho các tầng hầm
– Tại các chân cột, phải đặt các mũ chụp hình khay úp bằng thép không rỉ để ngăn mối, với chiều dày tối thiểu 0,5 mm hoặc bằng đồng dày tối thiểu 0,4 mm ở độ cao thích hợp cách mặt nền hoàn thiện tầng trệt hoặc tầng hầm nếu có, tối thiểu la 75 mm. Đồng thời trên toàn bộ mặt móng và các cột bổ trụ cũng phải đặt dải băng thép có độ dày, tiết diện có độ cao như đối với mũ chụp cho cột. Dải băng thép phải liên tục, tại các chỗ nối phải được hàn kín.
Chú ý:
– Khi thi công các phần việc phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp. Chủ đầu tư xây dựng công trình có thể giao cho các nhà thầu thi công xây dựng công trình. Nhưng phải có thiết kế phòng chống mối được phê duyệt, có hợp đồng, có giám định từng phần. Khi thi công có đầy đủ biên bản nghiệm thu, đặc biệt ở các phần khuất kín.
– Thiết kế phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp phải do các đơn vị Tư vấn thiết kế xây dựng công trình thực hiện thiết kế cùng với hồ sơ dự án, hồ sơ Thiết kế kỹ thuật thi công.
– Các công trình có thể bố trí hệ thống lưới thép không rỉ ngăn mối. Lớp thép phải tiếp giáp với các tường móng, các cột, sợi thép đan với đường kính tối thiểu la 0,18mm, cỡ lớn tối đa của mắt lưới 0,66 mm x 0,45 mm (Cách sử dụng tham khảo Phụ lục C – TCVN 7958 : 2008).
2. Quy trình thi công phòng chống mối bằng thuốc
(Biện pháp này hiệu quả rất thấp, phòng chống mối không bền vững).
Một số điều cần chú ý:
– Trước khi thi công phòng chống mối cho công trình, các bên chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu thi công phòng chống mối cần có văn bản phối hợp về tiến độ để phát huy hiệu quả và để công việc không chồng chéo lẫn nhau.
– Khi đào đắp nền, nếu phát hiện có tổ mối trên khu đất, đào cho tới tổ mối, xử lý thuốc diệt mối vào vị trí đó và vào phần đất đắp. Công việc này phải làm xong trước các công việc san nền và làm móng.
– Khi thi công phòng chống mối phải loại bỏ các loại vật liệu có chứa xenlulo đã nêu ở phần trên.
Những phần việc phòng chống mối của phương pháp dùng thuốc cụ thể như sau:
2.1. Xử lý mặt trong và ngoài tường móng:
Dùng thuốc phòng chống mối phun vào mặt trong và mặt ngoài tường móng tạo thành màng kín, nhằm ngăn ngừa mối chui vào và đi lên công trình.
Biện pháp xử lý: Chỉ dùng thuốc dạng lỏng, dùng dung dịch thuốc phòng chống mối phun sương từ 2-3 lần lên mặt tường móng, mỗi lần cách nhau từ 15-20 phút bằng bình phun áp lực.
2.2. Hàng rào ngầm phòng mối bên trong:
Tạo hỗn hợp thuốc với đất lập thành mảng chướng ngại vật theo phương thẳng đứng bao quanh liên tục lên tường móng phía trong công trình, nhằm bổ sung, ngăn ngừa mối từ dưới đất lên công trình.
Biện pháp xử lý: Với thuốc dạng lỏng: Đào rãnh sát chân tường rộng 30 cm, sâu 10 cm, tạo lỗ sâu từ 15 cm đến 25 cm, số lượng lỗ từ 15 lỗ đến 20 lỗ trên 1m2 của rãnh, hàng lỗ thứ nhất cách chân tường móng 5 cm (Nếu là đất cát, đất xốp thuốc có thể tự thấm xuống, không phải tạo lỗ) sau đó đổ dung dịch thuốc xuống mặt rãnh và lỗ rồi lấp lại.
– Đối với thuốc dạng bột: Đào rãnh sát chân tường rộng 30 cm, sâu từ 30 cm đến 40 cm kể từ mặt lớp đất hoàn thiện, đất đào lên được trộn đều với thuốc bột sau đó lấp lại. Ở nơi đất lẫn đá, gạch vỡ được phép rải thuốc theo từng lớp cách nhau từ 5 cm đến 7 cm.
2.3. Xử lý mặt nền:
Dùng thuốc phòng chống mối tạo thành lớp chướng ngại vật theo phương nằm ngang trên mặt đất nền nhằm ngăn ngừa mối từ dưới đất chui lên hoặc chui xuống trú ngụ làm tổ.
Biện pháp xử lý: Với thuốc dạng lỏng: Tưới hoặc phun dung dịch thuốc đều trên mặt nền đất trước khi đổ vữa bê tông;
– Với thuốc dạng bột: Rải và san đều thuốc trên mặt nền đất trước khi đổ vữa bê tông.
2.4. Hàng rào ngầm phòng mối bên ngoài:
Tạo hỗn hợp thuốc với đất làm thành mảng chướng ngại vật thẳng đứng bao quanh liên tục theo chân tường mỏng phía ngoài công trình nhằm ngăn ngừa mối từ các vùng lân cận xâm nhập vào công trình.
Biện pháp xử lý:
Với thuốc dạng lỏng: Ở độ cao mặt sân tiếp giáp với phần ngoài công trình đào một lớp đất sâu từ 5 cm đến 10 cm rộng 50 cm; sau đó tạo lỗ đường kính từ 1 cm đến 2 cm sâu 30 cm đến 40 cm; số lượng từ 15 lỗ đến 20 lỗ trên 1 m2 của rãnh; hàng lỗ thứ nhất cách chân tường mỏng 5 cm (nếu là đất cát, đất xốp không phải đào lỗ); đổ dung dịch thuốc đều trên bề mặt hào và các lỗ rồi lấp đất. Sau cùng tưới hoặc phun lên trên mặt hàng rào một lớp dung dịch thuốc.
Với thuốc dạng bột: Đào hào bao quanh phía ngoài sát mặt tường móng công trình. Kích thước hào rộng 50 cm, sâu từ 60 cm đến 80 cm; đất đào lên được trộn đều với thuốc bột rồi lấp đất lại. Ở nơi đất lẫn đá, gạch vỡ được phép rải thuốc theo từng lớp cách nhau 5cm đến 7 cm.
2.5. Xử lý chân tường, ngoài công trình và phần tường tiếp giáp với các khuôn cửa gỗ:
Dùng dung dịch thuốc phòng chống mối phun vào mặt chân tường trước khi trát vữa ngoài công trình và phần tường tiếp giáp với khuôn cửa gỗ, tạo thành màng kín, nhằm ngăn ngừa mối đi giữa lớp vữa và gạch lên công trình. Chiều cao xử lý công trình từ sàn đến bậu cửa sổ tầng trệt.
Đối với các công trình quan trọng như bảo tàng, thư viện, các kho chứa vật liệu, tài liệu chứa chất xenlunlo… phải dùng dung dịch thuốc phòng chống mối phun lên toàn bộ mặt tường phía trong của công trình.
Biện pháp xử lý: Chỉ dùng thuốc dạng lỏng. Dùng dung dịch thuốc phòng chống mối phun sương từ 2 đến 3 lần lên mặt chân tường, mặt phần tường tiếp giáp với khuôn cửa gỗ, mỗi lần cách nhau từ 15 đến 20 phút bằng bình phun áp lực.
2.6. Xử lý các mặt tường trong của tầng hầm:
Biện pháp xử lý: Dùng dung dịch thuốc phòng chống mối phun lên các mặt tường trong và tường ngăn tạo thành màng kín trước khi trát vữa nhằm ngăn chặn mối đi lại và trú ngụ ở phía trong tường hầm.
2.7. Xử lý sàn tầng hầm và sàn tầng trệt:
Dùng dung dịch thuốc phòng chống mối phun lên mặt sàn trước khi láng bề mặt hoặc lát gạch nhằm ngăn ngừa mối đi lại và trú ngụ trong sàn tầng hầm và sàn tầng trệt. Nếu công trình có nhiều tầng hầm thì tất cả các mặt sàn đều phải xử lý.
Biện pháp xử lý: Chỉ dùng thuốc dạng lỏng tưới hoặc phun đều từ 2 đến 3 lần.
2.8. Bảo quản các kết cấu gỗ và vật liệu chứa xenlulo:
Ngâm tẩm hoặc phun, quét thuốc phòng chống mối hoặc thuốc bảo quản lâm sản lên tất cả các bề mặt của kết cấu gỗ và vật liệu chứa xenlulo nhằm ngăn ngừa, tiêu diệt mối, mọt, nấm, mốc phá hoạt kết cấu và vật liệu nói trên.
Biện pháp xử lý: Như đã quy định trong mục Phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp (các bộ phận đó phải được xử lý ngâm, tẩm, phun, quét thuốc phòng chống mối hoặc thuốc bảo quản lâm sản. (tham khảo ở phần phụ lục D – TCVN 7958 : 2008).
Chú ý:
– Thiết kế phòng chống mối theo phương pháp bằng thuốc phải do các đơn vị Tư vấn thiết kế xây dựng công trình có chức năng về phòng chống mối, có con người với kiến thức cơ bản hiểu biết về đặc tính sinh học các giống, loài mối và kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống mối tham gia thiết kế.
3. Biện pháp thi công chống mối công trình bằng trạm bả
Nguồn tham khảo: https://ipvietnam.gov.vn/sang-che-viet/-/asset_publisher/XzSH8lY4WRq7/content/tram-ba-phong-tru-moi-cho-cac-cong-trinh-xay-dung do TS. Nguyễn Tân Vương giải thích
Làm thế nào đẻ trạm bả hiệu quả cao nhất
Vậy trạm bả như thế nào mới đảm bảo hiệu quả? “Trạm bả phải bảo quản được khối bả trong thời gian dài không bị hư hỏng; đồng thời hấp dẫn được mối, tạo điều kiện cho mối dễ khai thác khối bả. Đây là những yếu tố quyết định đến thành công của việc phòng trừ mối”, ông phân tích.
Việc sử dụng các thiết bị chứa bả (thức ăn tẩm độc) để dẫn dụ và tiêu diệt mối (trạm bả) không phải là giải pháp mới trên thế giới. Về cơ chế, trạm bả được thiết kế sao cho thu hút mối đến và tiêu thụ thức ăn đã chứa sẵn độc tố, sau đó mang về lây nhiễm cho cả tổ. “Con mối đi kiếm ăn sẽ không chết ngay, mà đi về tổ mớm thức ăn cho con mối ở nhà, do vậy, mối chúa ở trong tổ không đi kiếm ăn cũng sẽ bị nhiễm độc chết”, TS. Nguyễn Tân Vương giải thích. Đây là phương pháp “chủ động” dẫn dụ mối đến và tiêu diệt.
Thiết lập trạm bả chi tiết
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn, có thể thấy mỗi chi tiết của trạm bả đều được TS. Nguyễn Tân Vương tính toán rất tỉ mỉ, đảm bảo vừa dẫn dụ mối hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí. “Khối bả có trọng lượng khoảng 3-4g ở dạng viên, xung quanh có các vật chèn để giữ khối bả ở tâm khoang chứa. Ngoài việc giúp khối bả không bị va đập, các vật chèn cũng có tác dụng như mồi nhử dẫn dụ mối tiếp xúc với khối bả.
Lớp chống thấm bằng vật liệu hữu cơ được chọn từ paraffin, sáp ong và dầu thông thay vì phủ màng polyme giúp hạn chế tình trạng mối ăn hết lớp nút, nhưng không tiếp cận với bên trong do chúng không gặm xuyên qua lớp polyme khiến trạm bả mất tác dụng”. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu bài bản và “đương nhiên là mất rất nhiều thời gian”, ông hồi tưởng lại.
Hành trình thiết kế trạm bả của TS. Nguyễn Tân Vương cũng gắn liền với sự phát triển của kỹ thuật diệt mối ở Việt Nam. “Trước đây trong nước chưa có bả diệt mối; sau năm 2000, Việt Nam mới nghiên cứu bả diệt mối và du nhập các loại bả từ nước ngoài; lúc đấy mới nảy sinh vấn đề phòng mối bằng hệ thống trạm bả. Trước khi thiết kế trạm bả này, tôi đã tham gia nghiên cứu chế tạo nhiều loại bả và trạm bả phòng trừ mối khác nhau”.
Chống mối công trình bằng cách xây dựng các hệ chống phòng chống
Mục đích: Thiết lập hệ thống ngăn cách mối không thể xâm nhập từ dưới lên và từ ngoài vào trong công trình xây dựng.
Xử lý nền móng và mặt nền
Trước khi đổ đất cái làm nền, toàn bộ mặt tường móng cần được phủ kín bằng lớp vữa xi măng cát vàng, dày trên 3 cm và có mác lớn hơn 100. Điều này tạo ra một rào cản kiên cố chống lại mối.
Sau khi đầm chặt mặt nền, cũng trát kín bằng lớp vữa tương tự, sau đó mới tiến hành lát nền.
Lưu Ý: Quá trình miết lớp vữa cần chặt và kỹ lưỡng để loại bỏ mọi kẽ hở giữa thân công trình và mặt nền. Đối với công Trình Loại A cần tăng cường thêm lớp bê tông đá dăm, dày ít nhất 7 cm, mác lớn hơn 200, trải kín trên lớp xi măng cát vàng trước khi lát nền.
Tường và Sàn của Tầng Hầm
Cách Ly Bê Tông: Xây tường và sàn tầng hầm với lớp bê tông dày tối thiểu 7 cm, mác không nhỏ hơn 200. Điều này giúp cách ly hiệu quả khỏi mối.
Chân Khung Tầng Trệt
Bảo Vệ Chân Khung: Khi chôn chân khung cửa sổ tầng trệt, sử dụng lớp bê tông dày hơn 5 cm, mác lớn hơn 200, bao kín bên dưới và xung quanh chân khung đến mặt nền.
Nhà Sàn
Chiều Cao Tối Thiểu: Đảm bảo chiều cao từ mặt nền đến mặt dưới kết cấu sàn không dưới 80 cm. Điều này tạo không gian để kiểm tra và ngăn chặn mối.
Khe Co Giãn và Khe Lún
Xử lý Bê Tông: Sử dụng bê tông cột đôi hoặc tường đôi ở khe co giãn và khe lún, với vật liệu không chứa Xenlulo để ngăn chặn mối.
Ván Gỗ Chèn: Nếu sử dụng ván gỗ, cần xử lý theo quy định phòng chống mối công trình.
Đường Ống
Chèn Kín Ống: Các đường ống xuyên qua tường móng/mặt nền cần được chèn kín bằng vữa bê tông, mác lớn hơn 200.
Cáp Thông Tin và Điện: Đặt trong ống cứng và bịt kín bằng nút Bitum dày ít nhất 5 cm, mác từ 60 – 70.
4. Biện pháp thi công chống mối công trình xây dựng bằng lưới thép không gỉ
Áp dụng cho công trình xây dựng mới hoặc cải tạo. Việc lắp đặt phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của nhà phát minh ra công nghệ Termsteel. Tất cả những người lắp đặt phải qua đào tạo chứng nhận của Termsteel. Hệ thống lưới thép không gỉ Termsteel, đã được cấp bằng sáng chế và được bảo hộ độc quyền.
- Xử lý mặt nền, các khe thi công giữa các đợt đổ bê tông của mặt nền, mặt tường, các điểm tiếp giáp giữa mặt nền và tường.
- Xử lý phòng mối không cho mối xâm nhập từ nền đất, chân tường lên phần trên của công trình.
- Trát, trám một lớp vữa xi măng vào các vị trí bề mặt không được bằng phẳng. Lớp trát này để làm phẳng bề mặt nhưng phải tuân thủ điều kiện kỹ thuật của công nghệ Termsteel.
- Làm phẳng bề mặt tại khu vực được cài đặt lưới thép phòng mối.
- Định vị lưới thép không gỉ đặc biệt Termsteel, khu vực cần xử lý. Dùng xi măng đặc biệt( TermLok Parge) quét đều lên bề mặt lưới thép và bê tông.
Lưu ý: Sau khi lớp xi măng đặc biệt đã gắn kết lưới thép với bề mặt bê tông. Thì các đơn vị thi công xây lắp cần tiến hành các công việc hoàn thiện khác. Lưới thép không gỉ có thể được thiết kế cài đặt trước khi đổ bê tông sao cho sau khi đổ bê tông một phần hoặc toàn bộ lưới thép sẽ nằm bên trong cấu kiện bê tông.
Quản lý công tác thi công chống mối cho công trình xây dựng
1. Đối với chủ đầu tư xây dựng công trình
– Căn cứ vào quy mô, tầm quan trọng, niên hạn sử dụng… của công trình xây dựng. Phân loại công trình theo yêu cầu chống mối để đưa ra phương án thực hiện. Các biện pháp phòng chống mối từ khi lập dự án thiết kế và trong thi công cho phù hợp. Phương án phòng chống mối cho công trình phải được người quyết định đầu tư phê duyệt.
(Khuyến khích áp dụng phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp).
– Có trách nhiệm lựa chọn người có kiến thức cơ bản về đặc tính sinh học các loài mối; có kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống mối để thực hiện việc khảo sát; phát hiện mối làm cơ sở thiết kế phòng chống mối cho công trình; chọn đơn vị tư vấn có năng lực thiết kế phù hợp với phương pháp phòng chống mối công trình.
– Phải tổ chức giám sát quá trình thi công phòng chống mối cho công trình. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện năng lực thì phải thuê tổ chức tư vấn giám sát có đủ điều kiện năng lực để thực hiện; Có nhật ký giám sát quá trình thi công chống mối;
– Tổ chức nghiệm thu chủng loại thuốc phòng chống mối đưa vào công trình. Kiểm tra (nhãn, mác thuốc của nhà sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng…); Tổ chức nghiệm thu các công việc theo nội dung thiết kế phòng chống mối đã được phê duyệt.
2. Đối với nhà thầu thiết kế thi công phòng chống mối công trình
– Hồ sơ thiết kế phòng chống mối phải bao gồm:
+ Báo cáo tình hình mối phá hoại.
+ Biện pháp xử lý diệt mối, dọn gốc cây, rễ cây và rác có chứa xenlulo.
+ Biện pháp xử lí chống mối cho các bộ phận bằng gỗ.
+ Phương pháp phòng chống mối.
+ Thuyết minh chi tiết các nội dung, giải pháp thực hiện;
+ Dự kiến kế hoạch và thời điểm thực hiện các công việc …
+ Sơ đồ phòng chống mối; Định vị các vị trí cần xử lý phòng chống mối; Quy cách, kích thước các mặt cắt thi công; Xử lý (lớp trát vữa XM gia cố, lớp bêtông lót gia cố, hào, rãnh ngăn chặn mối xâm nhập.v.v…).
+ Dự toán kinh phí nội dung các phần việc để thực hiện biện pháp phòng chống mối.
Nhà thầu thiết kế phòng chống mối cho công trình chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về nội dung, chất lượng thiết kế và phải bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống mối của công trình.
3. Đối với nhà thầu khi thi công chống mối cồng trình xây dựng
Nhà thầu thi công phòng chống mối cho công trình phải có trách nhiệm thực hiện các nội dung quản lý chất lượng công việc cụ thể như sau:
– Thực hiện xuất trình hồ sơ, chứng chỉ chất lượng. Các loại thuốc phòng chống mối được phép sử dụng đưa vào thi công phòng chống mối cho công trình với Chủ đầu tư và tư vấn giám sát.
– Lập biện pháp thi công, tiến độ thi công;
– Ghi nhật ký quá trình thực hiện các công việc thi công, xử lý thuốc phòng chống mối;
– Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ thi công và yêu cầu chủ đầu tư tổ chức giám sát. Nghiệm thu kịp thời các phần việc xử lý chống mối;
– Kiểm tra và thực hiện nghiêm chỉnh quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Kiểm tra (Theo nội dung mục 8. TCVN 7958 : 2008);
– Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng công việc do mình đảm nhận; bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng; sử dụng thuốc chống mối không đúng chủng loại; thi công không bảo đảm theo quy trình thiết kế của chủ đầu tư. Gây ô nhiễm môi trường và các hành vi khác gây ra thiệt hại.
Kết luận
Trên đây là nội dung hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 7958 : 2008. Nội dung về bảo vệ công trình xây dựng – Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới”. Công tác quản lý, giám sát, thi công, nghiệm thu phòng chống mối cho công trình xây dựng.
Yêu cầu các Chủ đầu tư, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, thi công phòng chống mối cho công trình xây dựng nghiên cứu chi tiết nội dung Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 7958 : 2008 Bảo vệ công trình xây dựng – Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới” và nội dung Hướng dẫn trên của Sở Xây dựng để thực hiện./.
THÔNG TIN LIÊN HỆ VỚI KIỂM DỊCH HÀ NỘI ĐỂ TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Trụ sở: Số 358 Giải Phóng – Hoàng Mai – Hà Nội
Chi nhánh: 08 cơ sở trên toàn thành phố
Hotline: 0962181767
Email: dietmuoi247@gmail.com
Website: kiemdichhanoi.com